Các sự việc xoay quanh chương trình Đường lên đỉnh Olympia

Đây là một danh sách chưa hoàn tất, và có thể sẽ không bao giờ thỏa mãn yêu cầu hoàn tất. Bạn có thể đóng góp bằng cách mở rộng nó bằng các thông tin đáng tin cậy.

Đôi khi, trong chương trình Olympia xuất hiện những tình huống gây tranh cãi. Phần lớn các tình huống xảy ra trong các trận chung kết của Olympia.

Sự cố gây tranh cãi về điểm số trong trận chung kết Olympia 5

Chỉ kém nhà vô địch lần lượt 10 điểm, 20 điểm, hai thí sinh Nguyễn Nguyễn Thái Bảo (THPT Chuyên Quốc học Huế, Thừa Thiên - Huế) và Nguyễn Thị Ngọc Thơ (THPT Chuyên Kon Tum, Kon Tum) khiến cổ động viên không khỏi tiếc nuối. Nam sinh Nguyễn Trung Dũng (THPT Chu Văn An, Thái Nguyên) giành 140 điểm chung cuộc.

Cả 4 "nhà leo núi" tỏ ra ngang tài ngang sức khi bám đuổi nhau từng điểm số trong suốt 3 vòng thi Khởi động, Vượt chướng ngại vật và Tăng tốc. Cuộc đua trở nên quyết liệt, gay cấn khi các thí sinh bứt phá ở vòng thi Về đích.

Họ không ngại chọn câu hỏi 30 điểm để nâng cao quỹ điểm. Kết thúc lượt câu hỏi thứ nhất ở phần thi này, điểm số của Trung Dũng, Thái Bảo, Lâm Hoàng, Ngọc Thơ lần lượt là 170, 180, 190 và 170 điểm.

Ở lượt 2, Lâm Hoàng giành quyền trả lời câu hỏi thuộc lĩnh vực Văn học từ Trung Dũng và ghi thêm 30 điểm, tăng quỹ điểm lên 220. Điểm số này giúp nam sinh Sài thành chiến thắng, nhận học bổng du học 35.000 USD.

Sự cố không thống nhất ý kiến của MC Lưu Minh Vũ và ban cố vấn chương trình khi cho điểm thí sinh Lâm Hoàng ở câu hỏi Về đích gần cuối cũng gây tranh cãi vào thời điểm đó. Câu trả lời tự tin nhưng hơi dài dòng của Hoàng được MC Minh Vũ chấp nhận, cho 20 điểm, nhưng một lúc sau đó ban cố vấn mới đưa ra ý kiến ngược lại.

Lâm Hoàng khá "sốc" trước quyết định này, bởi Thái Bảo chỉ kém cậu đúng 10 điểm. Ban tổ chức thay câu hỏi khác cho Hoàng và nói đại ý nếu nam sinh trả lời đúng câu hỏi này sẽ được cộng 20 điểm vừa bị trừ ở câu trước.

Dù rất xúc động và mất bình tĩnh, Lâm Hoàng vẫn trả lời đúng câu hỏi sau thời gian suy nghĩ vừa vặn 30 giây để giành chiến thắng. Cổ động viên bức xúc khi cho rằng nếu không có sai sót từ chương trình, có thể Nguyễn Nguyễn Thái Bảo mới là nhà vô địch năm thứ 5.

Khán giả cổ vũ tại trường quay S9 của Đài THVN, cũng như theo dõi qua màn ảnh nhỏ đều công nhận đây là trận chung kết kịch tính và đáng nhớ nhất trong 5 năm đầu chương trình Đường lên đỉnh Olympia nhờ sự thông minh, bản lĩnh và tinh thần thi đấu đẹp của cả 4 thí sinh.

Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 7 chỉ có 140 thí sinh

Bình thường mỗi năm Olympia có 36 cuộc thi tuần và 144 thí sinh. Tuy nhiên Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 7 chỉ có 140 thí sinh. Bởi vì cuộc thi tuần của tháng 2 - Quý 1 năm thứ 7, trong phần thi Về đích, thí sinh Trần Vi Đô nhận được câu hỏi "Hồng cầu được sinh ra từ đâu?", Vi Đô đã trả lời là Tuỷ sống theo đáp án của chương trình, chung cuộc được 140 điểm và giành được vòng nguyệt quế, thí sinh về nhì Phạm Thị Hoà được 130 điểm. Sau đó chương trình mới chỉnh sửa lại đáp án phải là Tuỷ xương chứ không phải Tuỷ sống,đáng ra thì Trần Vi Đô chỉ được 120 điểm và Phạm Thị Hoà mới là thí sinh nhất tuần, khi đó cuộc thi tháng 2 - Quý 1 đã được ghi hình và không thể thay đổi lại kết quả cuộc thi tuần; do đó một trận thi tuần của tháng 3 - Quý 1 đã bị huỷ bỏ để Phạm Thị Hoà trở thành một trong những thí sinh của cuộc thi tháng 3 - Quý 1.

Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9 nghi dàn xếp kết quả và gian lận

Trước khi phát sóng chương trình Đường lên đỉnh Olympia tháng 3, quý 3, năm thứ 9, trên mạng Internet xuất hiện 1 bài blog của thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn - giáo viên dạy toán trường THPT Chuyên Bắc Giang về việc chương trình Đường lên đỉnh Olympia dàn xếp kết quả, xử ép các thí sinh tỉnh lẻ để thí sinh Hà Nội đạt giải nhất. Cụ thể, cuộc thi tháng 3, quý 3 diễn ra giữa các thí sinh Lưu Hoàng Hải (Hà Nội), Nguyễn Hoàng Hiệp (Bắc Giang), Chí Thiện (Bình Thuận) và Phạm Minh Ngọc Hảo (Phú Yên). Thầy giáo Tuấn khẳng định chương trình gian lận từ khâu trang trí (chưa tới dịp Tết nhưng xếp hoa đàohoa mai quanh trường quay để chương trình phát vào thời điểm đó), tới câu hỏi (thí sinh Hoàng Hải trả lời sai nhưng MC Việt Khuê nói đó là câu đã hỏi từ tuần trước nên đổi câu hỏi khác) và việc bấm chuông trả lời chướng ngại vật (màn hình hiện tên Chí Thiện nhưng MC lại mời Hoàng Hải trả lời). Lần lượt rất nhiều thí sinh đã từng dự thi Olympia đứng lên thanh minh cho chương trình. Ngay sau khi nhận được phản hồi, VTV và ekip Olympia đã tiến hành làm rõ, mời thầy giáo Tuấn đến trường quay và cho xem quy trình thực hiện một chương trình Olympia hoàn chỉnh và Đạo diễn chương trình - BTV Tùng Chi, cùng các kĩ thuật viên, MC giải thích cặn kẽ những nghi vấn xung quanh cuộc thi. Sau đó, thầy giáo Tuấn đã xin lỗi VTV và gỡ bỏ bài blog xuống. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó đã khiến uy tín chương trình bị sụt giảm.[28]

Trận chung kết "hy hữu" có 5 thí sinh

Theo luật của chương trình, một cuộc thi chỉ có 4 thí sinh được tham dự. Nhưng trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9 đã có 5 thí sinh. Lý do là vào trận thi quý 3, thí sinh Bạch Đình Thắng đứng trước câu hỏi 30 điểm cuối cùng trong gói 80 điểm, đang kém thí sinh dẫn đầu (Hồ Ngọc Hân) 60 điểm và quyết định chọn ngôi sao hi vọng. Câu hỏi dành cho Thắng là nêu 6 hệ cơ quan trong cơ thể người. Thí sinh này trả lời đúng 5 hệ (là hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, hệ thần kinh, hệ hô hấp) và thiếu hệ vận động. Còn hệ thứ 6 là hệ nội tiết không được ban cố vấn chấp nhận. Do đó, Thắng bị trừ 30 điểm và không được vào trận chung kết. Sau một thời gian, Thắng đã gửi cho chương trình quyển sách giáo khoa sinh học lớp 8 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành có viết "Hệ nội tiết là hệ quan trọng trong cơ thể người". Trước bằng chứng này, VTV đã mời ban cố vấn sinh học cũng như người biên soạn sách giáo khoa để tranh luận, phản bác. Cả hai bên đều đưa ra lập luận khoa học riêng, không ai chấp nhận mình sai. Cuối cùng, VTV quyết định "thí sinh học thế nào thì trả lời thế ấy", chấp nhận câu trả lời này, dẫn đến Thắng không những không bị trừ điểm mà còn được cộng thêm 60 điểm do đã đặt ngôi sao hy vọng, bằng số điểm và đồng về nhất với Hồ Ngọc Hân, và VTV quyết định cho cả 2 thí sinh vào trận chung kết.[29]

Phát âm sai vẫn vô địch Olympia 10

Trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 10, trước câu hỏi cuối cùng của thí sinh Giang Thanh Tùng, người dẫn đầu là Phan Minh Đức đang hơn Đỗ Đức Hiếu (đứng thứ 2) 15 điểm. Câu hỏi của họ Giang là câu hỏi tiếng Anh về thợ sửa ống nước "plumber" nhưng họ Giang trả lời sai và Đức giành quyền trả lời rất tự tin "Câu trả lời của em là "pờ-lăm-bờ"". Sau đó, MC Tùng Chi yêu cầu thí sinh đánh vần lại. Đức đánh vần "p-l-u-m-p-e-r". Nếu trả lời đúng, Đức sẽ đạt 295 điểm và có vòng nguyệt quế còn nếu sai, thí sinh này sẽ bằng điểm với Đỗ Đức Hiếu (250 điểm). Người dẫn Tùng Chi chấp nhận đáp án của Đức. Tuy nhiên, cách phát âm của Đức có vấn đề (âm /b/ trong từ plumber là âm câm), cùng như cậu đánh vần sai, và nhiều khán giả không đồng ý với kết quả chung cuộc và nghĩ rằng thật thiệt thòi cho Đỗ Đức Hiếu. Sau cùng, cố vấn tiếng Anh đã khẳng định, câu trả lời của Đức không có vấn đề gì vì "hầu hết người châu Á đều dễ bị nhầm lẫn như vậy, còn phần đánh vần trong câu hỏi không yêu cầu" và chấp nhận đáp án này. Cuối cùng kết quả Đức vẫn giành suất học bổng 35000 USD.[30]

Tranh cãi muối - muối ăn trong chung kết Olympia 11

Trong câu hỏi tăng tốc số 3 của trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 11, có 5 dữ kiện được đưa ra cho các thí sinh:

  1. Đây là hợp chất vô cơ
  2. Cấu trúc mạng tinh thể, liên kết ion
  3. ..?.. của rừng (tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp)
  4. Một loại gia vị
  5. Salt

Đáp án mà 3 thí sinh Ngọc Huy, Bạch Nhật và Bảo Lộc đưa ra là muối được MC chấp nhận là chính xác, còn đáp án của Ngọc Oanh là muối ăn không được điểm. Ngay sau đó, Ban cố vấn, đứng đầu là cố vấn môn hóa thầy Nguyễn Đức Chuy cho rằng, muối ăn là câu trả lời chính xác nhất vì hình ảnh cuối cùng là hình ảnh người nông dân làm muối. Sau cùng, nhờ câu trả lời được Ban cố vấn chấp thuận này mà Ngọc Oanh vô địch. Ngay sau khi trận chung kết diễn ra, trên khắp các báo mạng và các diễn đàn nổ ra sự tranh cãi kịch liệt đáp án muối và muối ăn cho câu hỏi này.[31] Đáp án muối ăn của Ngọc Oanh không thỏa mãn dữ kiện 3 (Tác phẩm "Muối của rừng", không thể nói là "Muối ăn của rừng"). Nhưng câu trả lời muối lại không thỏa mãn dữ kiện 2 và 4 (có loại muối là muối hữu cơ cũng như không phải muối nào cũng làm gia vị). Cuối cùng, ban tổ chức chương trình Đường lên đỉnh Olympia - VTV3 giữ nguyên kết quả chung cuộc.

Nghi vấn lộ đề và câu hỏi sai trong chung kết Olympia năm thứ 12

Ở trận chung kết Olympia 12, trong phần thi vượt chướng ngại vật, sau khi 2 ô hàng ngang đầu tiên không được lật mở, bất ngờ thí sinh Thái Hoàng bấm chuông xin trả lời chướng ngại vật trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người vì đây là cuộc thi rất quan trọng vả lại chưa có một gợi ý nào được đưa ra. Đáp án của Thái Hoàng là "Tiếng Việt" và thí sinh này giành được 80 điểm, bỏ xa tất cả các thí sinh còn lại. Điều kì lạ hơn đó là MC Tùng Chi không hỏi lý do tại sao Hoàng đưa ra đáp án trong khi chưa có gợi ý mà tự mình dẫn các từ hàng ngang tới chướng ngại vật. Vụ việc dấy lên nghi ngờ chương trình lộ đề cho Thái Hoàng và ekip đã bị "mua chuộc". Nhiều trang web đã đưa ra những clip minh oan cho Hoàng khi thí sinh này đã trả lời được các chướng ngại vật ở các vòng trước một cách nhanh chóng và đi đến kết luận là không thể có chuyện lộ đề.[32]

Tiếp tục, tại phần thi tăng tốc, trong câu hỏi IQ "Cần bao nhiêu mặt trời để cân thăng bằng", đáp án chương trình đưa ra là 6 mặt trời, cùng đáp án với Thái Hoàng và Lê Phương. Trong khi Lê Phương trả lời là "Em hi vọng vào sự may mắn của mình", Thái Hoàng tự tin trả lời "sau một hồi tính toán em đã giải ra đáp án như vậy". Hai thí sinh này được cộng điểm. Tuy nhiên, ngay sau khi cuộc thi kết thúc, khán giả xem đài phát hiện ra đáp án thực sự của câu hỏi này phải là 17/3 mặt trời. Như vậy, câu hỏi này không thí sinh nào đưa ra đáp án đúng, và Thái Hoàng bị trừ 30 điểm, kém người đạt giải nhì Ngọc Tĩnh 10 điểm và vòng nguyệt quế phải thuộc về Ngọc Tĩnh. Tuy nhiên việc trừ điểm này bị nhiều người chỉ trích rằng không công bằng, vì nếu bị trừ điểm thì Hoàng sẽ chọn gói điểm cao hơn ở phần về đích nên không thể khẳng định rằng Ngọc Tĩnh thắng cuộc.[33]

Hàng loạt các trang Facebook được lập ra để ủng hộ cả Thân Ngọc Tĩnh và Đặng Thái Hoàng, fanpage của chương trình quá tải vì những lời đòi hỏi chương trình phải xử lý vụ việc thỏa đáng cũng như minh oan cho Thái Hoàng. Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra trong đó có quy định của ban tổ chức cuộc thi mà các thí sinh phải cam kết trước khi dự thi là: 'Mọi khiếu nại phải do chính thí sinh đưa ra và chỉ có hiệu lực trong thời gian ghi hình phần thi đó' nên cuộc thi không thể tổ chức lại.[34]

Tranh cãi về đáp án trong trận chung kết Olympia năm thứ 14

Trong trận chung kết Olympia 14, đứng trước câu hỏi "vì sao dung dịch muối có tính sát trùng", thí sinh Nguyễn Hoàng Bách đã trả lời: Vì dung dịch nước muối tạo môi trường ưu trương nên khi vi khuẩn ở trong dung dịch nước muối sẽ bị mất nước mà chết. Vì không giống với câu trả lời của chương trình, MC Tùng Chi mời ban cố vấn nhận xét. PGS.TS Vũ Quốc Trung, cố vấn chương trình, đã không chấp nhận câu trả lời này. MC Tùng Chi đọc đáp án chính thức: Dung dịch nước muối có nồng độ muối lớn hơn nồng độ muối trong tế bào của vi khuẩn. Cho nên do hiện tượng thẩm thấu thì muối đi vào tế bào làm nồng độ muối trong tế bào tăng lên đẩy nước từ trong tế bào ngược trở lại trong vi khuẩn làm cho quá trình nước trở lại tế bào từ vi khuẩn được đầy ra ngoài. Vi khuẩn vì vậy mất nước và bị tiêu diệt. Nếu được chấp nhận, Nguyễn Hoàng Bách sẽ bằng điểm với Nguyễn Trọng Nhân và hai thí sinh sẽ tiếp tục cuộc thi để quyết định ngôi vô địch. Tuy nhiên do mất điểm câu hỏi này, Nguyễn Hoàng Bách kém Nguyễn Trọng Nhân 20 điểm, đoạt giải nhì cuộc thi. Dư luận có nhiều ý kiến không đồng tình với quyết định trên của Ban Cố vấn. Tiến sĩ Phạm Văn Lập, chủ biên sách giáo khoa môn Sinh học lớp 10 và 12, cho rằng câu trả lời của Bách hoàn toàn chấp nhận được.[35] Ban Cố vấn chương trình sau đó đã đưa ra lời giải thích chính thức vì sao Bách mất điểm, và bảo lưu kết quả cuộc thi.[36]

Olympia 17 làm sai lệch kết quả của thí sinh

Trong cuộc thi Tuần 2 - Tháng 1 - Quý 3 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17 phát sóng ngày 5/3/2017, chương trình đã cho điểm thí sinh Nhân Thanh Tùng - Trường THPT Ngọc Hồi, thành phố Hà Nội khi Thanh Tùng trả lời sai.

Cụ thể, ở câu hỏi Hóa học của thí sinh Trần Bảo Nhân - Trường THPT Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, chương trình đã hỏi: "Người ta có thể bảo vệ vỏ tàu biển bằng thép bằng cách gắn những tấm kẽm vào phần vỏ tàu chìm trong nước biển (nước biển là dung dịch chất điện li). Tại sao lại như vậy?" Thanh Tùng đã bấm chuông xin trả lời: "Người ta thường gắn thép vào vỏ sắt của vỏ tàu biển vì khi đó sắt đóng vai trò là cực anot còn kẽm là catot. Khi đó kẽm sẽ bị gỉ thay cho sắt và sắt được bảo vệ." Ở đây, Thanh Tùng đã nói đúng khi nói rằng kẽm sẽ bị gỉ thay cho sắt và sắt được bảo vệ, nhưng trên thực tế, kẽm đóng vai trò là anot còn sắt là catot. Như vậy, Thanh Tùng đã nói ngược 2 cực, và vì thế nên câu trả lời của Tùng là chưa chính xác.

Thứ hai, ở câu hỏi về đích Hóa học của Thanh Tùng, chương trình đã hỏi: "Đốt cháy que đóm và dây magie rồi lần lượt cho vào bình chứa khí CO2. Tại sao que đóm tắt ngay, còn magie cháy tiếp?" Thanh Tùng đã trả lời: "Bởi CO2 là khí không duy trì sự cháy nên khi cho que đóm vào, nó sẽ tắt. Còn việc magie phát sáng là do đốt lên là sẽ có MgO và đó là chất phát ra khí cháy." Ở câu hỏi này, Tùng đã trả lời chưa chuẩn vế sau, vì chất cháy sáng chính là Mg khi cháy trong CO2 chứ không phải MgO. Tuy nhiên, câu trả lời này vẫn được chương trình cho điểm.[37] Nhờ hai câu trả lời này, Thanh Tùng đã vươn lên 225 điểm và giành chiến thắng, còn thí sinh Phạm Phú Vinh - Trường THPT Huỳnh Văn Nghệ, Bình Dương về nhì với 220 điểm, trong khi nếu không được công nhận ở hai câu hỏi trên, số điểm của Thanh Tùng sẽ là 175, còn của Bảo Nhân là 185 (Bảo Nhân bị lấy 20 điểm sang quỹ điểm của Thanh Tùng), như vậy Bảo Nhân mới là người giành được vị trí nhì cao nhất của tháng 1 - quý 3. Ngày 9/3/2017, chương trình đã chính thức lên tiếng về vụ việc trên và nhận lỗi vì sơ suất, đồng thời xin lỗi thí sinh Phạm Phú Vinh.[38] Cùng ngày, chương trình đã quyết định dành tặng vòng nguyệt quế cho thí sinh Phú Vinh làm kỷ niệm.[39] Tuy nhiên, theo luật của chương trình, kết quả của cuộc thi này không thay đổi.[40]

Cũng trong trận thi này, ở phần thi Về đích của thí sinh Phú Vinh, chương trình đã hỏi: "Tại những nơi nào trên Trái Đất có thể nói giờ nào cũng đúng?" Phú Vinh chưa có câu trả lời và Bảo Nhân đã giành quyền, đáp án của thí sinh này là Bắc CựcNam Cực. MC Diệp Chi nói rằng Bảo Nhân đã hiểu đúng vấn đề, nhưng đáp án phải là cực Bắc và cực Nam. Tuy nhiên trước đó, ở cuộc thi Chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 6, đây cũng là câu hỏi trong gói về đích của thí sinh Lê Vũ Hoàng - Trường THPT số 1 Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, đồng thời là nhà vô địch của Đường lên đỉnh Olympia năm đó, thí sinh này cũng trả lời là Bắc Cực và Nam Cực và chương trình đã cho điểm[41]. Điều này đã khiến khán giả băn khoăn tại sao Vũ Hoàng được điểm mà Bảo Nhân lại không.

Thí sinh không đạt điểm cuối chương trình

Thí sinh tham dự thi Đường lên đỉnh Olympia luôn được tuyển chọn rất kỹ lưỡng từ các trường THPT ở các địa phương. Tuy nhiên, vẫn có những thí sinh không đủ may mắn để giành được một số điểm tối thiểu (cụ thể là ở Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 16Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18: Tuần 3 Tháng 3 Quý 2, Tuần 1 Tháng 2 Quý 3, Tuần 3 Tháng 2 Quý 3 và cả trong năm thứ 7, năm thứ 11,...) sau cả 4 vòng dù có rất nhiều cơ hội ghi điểm và đề thi có mở rộng nhưng vẫn xoay quanh các kiến thức các thí sinh được học và tìm hiểu ở bậc phổ thông.[42]

Bốc thăm để lựa chọn thí sinh chiến thắng

Theo luật của chương trình Đường lên đỉnh Olympia từ những năm đầu tiên, trong một trận đấu nếu có nhiều hơn một thí sinh có cùng điểm số cao nhất, hay trong một tháng hoặc một quý có nhiều thí sinh cùng điểm nhì cao nhất, để lựa chọn thí sinh giành chiến thắng và đi tiếp, MC sẽ đưa ra loạt 3 câu hỏi phụ. Trong thời gian 15 giây, thí sinh nào bấm chuông trả lời đúng trước thì sẽ giành chiến thắng. Nhưng sau 3 câu hỏi phụ nếu bất phân thắng bại, MC sẽ tổ chức bốc thăm cho các thí sinh. Trong tình huống này, thí sinh có được đi tiếp hay không hoàn toàn phụ thuộc 100% vào may mắn. Đây là tình huống hi hữu, tỉ lệ xảy ra rất thấp. Cách đây hơn 15 năm, thí sinh Phạm Đức Đạt (học sinh lớp 12A2, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng) đã giành được vòng nguyệt quế của cuộc thi tuần đầu tiên, tháng 1, quý 3 năm thứ 5 nhờ thủ tục bốc thăm.

Nhưng khi trận thi đấu tháng 2, quý 3 năm thứ 18 phát sóng và phải dùng thủ tục bốc thăm để chọn người có điểm nhì cao nhất tháng, cộng đồng mạng đã phản ứng rất gay gắt với ban tổ chức khi cho rằng bốc thăm là không hợp lý và bất công. Cộng đồng mạng cho rằng chương trình là một cuộc thi trí tuệ, không phải là một buổi quay xổ số hay bốc thăm trúng thưởng. Hơn nữa kho câu hỏi của chương trình cũng rất nhiều, không đến nỗi chỉ có 3 câu hỏi là hết. Việc bị loại chỉ vì bốc thăm sẽ mang tâm lý xấu cho thí sinh không may mắn, cũng như cảm giác không phục cho người thân, bạn bè, thầy cô của thí sinh đó và những khán giả theo dõi chương trình, đặc biệt nếu đó là một trận đấu rất quan trọng và có chất lượng chuyên môn cao như trận thi quý và chung kết năm.

Liên quan đến cựu thí sinh

Cựu thí sinh Olympia năm thứ 5, Nguyễn Viết Dũng, bị đưa ra tòa xử sơ thẩm vào ngày 12/4/2018 và bị tuyên án 7 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội phản động “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”[43]. Phiên phúc thẩm vào tháng 8 sau đó, tòa giảm một năm tù giam xuống còn 6 năm tù giam.[44]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đường lên đỉnh Olympia http://www.baohomnay.com/tin-tuc/vi/news/Xa-hoi/Lu... http://www.facebook.com/duonglendinholympia http://www.lg.com/vn/download/pressrelease/Olympia... http://www.youtube.com/user/Fuliver123CP http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2009/05/3ba0f160/ http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/giao-duc/2012/06/ne... http://vnexpress.net/tin-tuc/cpm/sinh-vien-voi-oly... http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/nam-sinh-tie... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/huynh-anh-vu-... http://ione.vnexpress.net/projects/phan-dang-nhat-...